Hai học viên có nhiều nỗ lực đáng khen ngợi nhất, nhà rất xa, gia cảnh rất khó khăn vẫn thu xếp đưa con bại não theo mẹ lên phố, cố gắng học cho được nghề cắt may, đã được các cô giáo dạy nghề đề xuất chương trình “thưởng nóng” 2 máy may, để về mở dịch vụ may vá, sửa đồ tại nhà. Đó là chị Trần Thị Thành ở thôn 10 xã Ea M’đoan, huyện M’đrắk (cách Buôn Ma Thuột 120 km) và chị Nguyễn Thị Trọng ở thôn 17 xã Cư Bông huyện Ea Kar (cách BMT 90km). Tấm gương của hai học viên này đã lan tỏa, góp phần động viên nhiều phụ nữ nghèo khác cố gắng noi theo, để tự vươn lên trong cuộc sống.
Hai năm trước, Hội Từ Tâm Đắk Lắk dự cuộc gặp mặt lần đầu tiên với hơn 50 gia đình trẻ bại não. Sau đó, Liên Chi hội Gia đình Trẻ bại não- Khiếm thính Đắk Lắk dần hình thành, tới nay danh sách thành viên đã lên tới hơn 220 gia đình. Trong đó không ít gia đình có tới 2-3 trẻ cùng bị bại não, hoặc khiếm thính, và các dạng khuyết tật khác.
Nhiều gia đình trẻ bại não ở Đắk Lắk là người dân tộc thiểu số, sống ở các buôn làng vùng sâu. Nhà nước có chế độ trợ cấp dành cho người khuyết tật, trẻ bại não từ mức nặng đến đặc biệt nặng. Tuy nhiên khoản trợ cấp này quá ít ỏi so với nhu cầu chăm sóc, dinh dưỡng, điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhi.
Thực hiện hàng chục chuyến đi thực tế tới rất nhiều buôn làng, thôn xã vùng sâu, Hội Từ Tâm Đắk Lắk đã tận thấy nhiều bé bệnh rất nặng, thậm chí sống đời thực vật, cha mẹ vẫn phải dành nhiều thời gian và sức lực nuôi dưỡng, chăm sóc, bỏ lỡ các cơ hội phát triển bản thân. Tỉ lệ nghèo, cận nghèo trong cộng đồng gia đình trẻ bại não, khiếm thính rất cao; nhiều gia đình đã ly tán, chỉ còn bà mẹ đơn thân xoay sở mọi cách để nuôi con.
Với tình thương và sự cảm thông sâu sắc, Hội Từ Tâm Đắk Lắk đã rất cố gắng xây dựng nhiều chiến dịch vận động tạo nguồn để có kinh phí hỗ trợ nhiều gia đình trẻ bại não và người khiếm thính. Trở ngại lớn, là sự hạn chế hiển thị hình ảnh trẻ bại não trên các nền tảng truyền thông. Đa số trẻ bại não thể nặng không có khả năng phục hồi, rất khó tiếp cận được nguồn tài trợ. Sự giúp đỡ gây quỹ từ tổ chức GIVE.Asia (Singapore) trong năm đầu tiên đã tiếp sức đắc lực cho Hội giúp đỡ được nhiều bệnh nhân, bệnh nhi nghèo khó.
Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2024, Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk (thuộc Hội Từ Tâm Đắk Lắk) đã tổ chức nhiều sự kiện như khám bệnh, phát thuốc miễn phí; Tặng các suất trợ cấp đột xuất, định kỳ; Đặt mua và trao tặng các bộ dụng cụ luyện tập phục hồi chức năng; Cấp vé miễn phí Chuyến xe Yêu thương, cùng nhà xe Long Vân Limousine giúp hàng trăm lượt bệnh nhân và các gia đình nghèo đưa con em đi tái khám, điều trị tại các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh v.v…
Để những người phụ nữ quanh năm quanh quẩn bên con bại não có thể tăng thu nhập một cách mạnh mẽ, chủ động hơn, Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk đã “tặng cần câu”, tài trợ tiền thuê mặt bằng để Liên Chi hội Gia đình Trẻ bại não- Khiếm thính Đắk Lắk mở văn phòng tại 32 Nguyễn Xuân Nguyên, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột. Tại đây, Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk xây dựng Chương trình Dạy nghề miễn phí cho các mẹ nghèo, giúp Liên chi hội có một “mái ấm” chung làm điểm hẹn gặp gỡ, chia sẻ, giới thiệu sản phẩm và bán hàng.
Khai giảng từ giữa tháng sáu, lớp Cắt May được trang bị 7 máy may, máy vắt sổ cùng các thiết bị phụ trợ khác, do Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk đặt mua và chị Mai Duyên-Giám đốc công ty Brilliant Vietnam ủng hộ thêm. Học viên là mẹ các trẻ bại não, khiếm thính, có người đưa con lên ăn ở tại chỗ để mẹ yên tâm học nghề. Giáo viên đứng lớp là chủ các nhà may nổi tiếng tại Buôn Ma Thuột: cô Thiên Trang, cô Ngọc Hoa, cô Ngọc Sương, cô Thanh Thủy, cô Thu Thủy… Cô Ngọc Hoa còn vận động con gái kết nối Công ty TNHH Nguồn cung Quốc tế GIM tài trợ 10 triệu đồng để mua thêm một máy viền lai tặng lớp Cắt May, hỗ trợ chi phí vận hành.
Tiếp đó, cô Yến Trần tặng các suất học miễn phí nghề nấu chè. 3 học viên Trương Huyền- Kim Dung- Nguyễn Trọng phấn khởi chia sẻ: Chỉ học 1 buổi mà nắm được bí quyết nấu hàng chục món chè ngon, cô dạy xong, trò có thể về mở quán bán chè được luôn.
Qua buổi hướng dẫn lives tream bán hàng của cô Xuân Uyên, trò Long Thị Viết đã biết cách “lên sóng” bán kem và nước nha đam, liên tục chốt đơn ship hàng cho khách. Những học viên khác cũng tranh thủ lives tream bán hàng lưu niệm, quần áo thời trang, tăng thu nhập.
Lớp gội đầu, massage mặt của cô Trần Thay có 3 học viên đăng ký. Khi học thì qua quán của cô, sau đó về thực tập tại Văn phòng Liên chi hội. Kỹ sư Nguyễn Thị Kiều Phương nhận đào tạo nghề kỹ thuật sửa chữa máy tính và camera, nhà thông minh tại Công ty TNHH Ya Yương Ayun (372/1 Hùng Vương, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột), có chỗ ăn ở thuận tiện cho 3 thanh niên cùng học và thực hành. Cô Kiều Phương cho biết Công ty sẵn sàng nhận đào tạo và bố trí nơi ăn ở miễn phí cho vài bạn trẻ khuyết tật hiếu học nữa.
Nghề Pha chế có tới 17/19 học viên ghi danh. Các học viên tự đến trung tâm K.Coffee Lab, 109/A1 Mai Hắc Đế để học với chuyên gia pha chế Tiên Tiên , có đầy đủ công cụ thực hành, cứ 3 buổi kết thúc 1 khóa trong tháng 7/2024. Không khí lớp học sôi nổi, thầy vui vẻ, trò hào hứng “học đâu hành đấy”, lại được thưởng thức nhiều món cà phê thơm ngát, tuyệt ngon.
Là giáo viên dạy Toán cấp III, bản thân bệnh tim lại nuôi con bại não, chị Nguyễn Thị Dung đã xin đăng ký học cả lớp May và lớp Pha chế. Chị Dung bày tỏ sự cảm kích, lòng biết ơn của các học viên với Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk và các cô dạy nghề miễn phí đã trao tặng nhiều phụ nữ nghèo những chiếc “cần câu” giá trị, khích lệ mạnh mẽ sự nỗ lực tự thân vươn lên của mỗi cá nhân, gia đình.
Mong sao ngày càng có nhiều hơn nữa các nguồn lực chung tay với Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk, để cùng nuôi lớn chương trình Dạy nghề miễn phí, tạo thêm nhiều “cần câu” cho những phụ nữ nghèo, các bạn trẻ khuyết tật đang khát khao nắm bắt được những cơ hội học hành, thay đổi cuộc sống, vươn tới tương lai tươi sáng hơn.